Tiếng Anh + Tiếng Pháp Quan Hệ Quốc Tế

Chuyện gia sư

Các bạn thân mến, chuyên mục “TRÒ CHUYỆN VỚI NGƯỜI CHƯA NỔI TIẾNG” tháng này xin chia sẻ cùng mọi người câu chuyện làm thêm của một nữ sinh viên khoa Tiếng Anh Quan hệ Quốc tế chúng ta với những kỉ niệm yêu thương và khó quên. Mời các bạn đón đọc 😀

Tớ bận!
Không biết thời gian biểu của Khánh Hà bận rộn như thế nào, chỉ biết là chúng tôi đã phải đánh tiếng “bọn tớ linh động cả tối” để hòng chen chân được vào thời gian biểu ấy. 21h30, chúng tôi nhận được tin nhắn “tớ rảnh nhé”. Và đó là thời điểm đánh dấu cho cuộc trò chuyện trong đêm tại sân kí túc xá Học viện Ngoại giao giữa chúng tôi cùng cô bạn hiện đang là sinh viên năm 3 ngành Tiếng Anh Quan hệ Quốc tế.
Cuộc gặp gỡ trong đêm
Vừa nhác thấy bóng Khánh Hà trên cầu thang, chúng tôi đã thắc mắc ngay “bạn bận gì vậy?” để than thở cho cái thời điểm gặp gỡ lạnh giá giữa mây trời này, Khánh Hà vui vẻ “bận gì đâu, đi lấy rau với đứa bạn” làm chúng tôi tròn xoe mắt, chẳng biết là cô bạn đang nói thật hay đùa.
Đi dạy thêm là một sự tình cờ…
Xuất phát từ một câu chuyện trong bữa cơm với một người bạn cùng phòng, cô sinh viên đến từ thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa biết được công việc này chỉ với yêu cầu dạy tiếng Anh cho học sinh lớp một. Ý nghĩ “tội gì” nảy ra và thế là Khánh Hà trở thành thành gia sư. Giá như không có bữa cơm đó, giá như hai chị em không cùng ăn cơm, và giá như chị bạn của Khánh Hà không học tiếng Trung có lẽ giờ này Khánh Hà vẫn đang “thất nghiệp” bởi lẽ về phần mình, cô bạn tự nhận là con người “lười nhác”, không muốn đi đâu và làm gì cả.
…và vượt qua “mặc cảm”.
Ngày xưa, trong một lần sang nhà bác chơi, Khánh Hà gặp một bé trai hàng xóm. Trẻ con hiếu động, thằng bé nghịch cốc nước thủy tinh làm nó suýt rơi. Giật mình, Khánh Hà hét lên “cái gì vậy”. Và đến lượt thằng bé giật mình và “lăn ra” khóc mếu. Kể từ đó thằng bé hễ thấy Khánh Hà ở đâu là quặt sang di chuyển theo hướng khác. Giờ thì gia đình thằng bé năm xưa đã chuyển đi, Khánh Hà cũng không có cơ hội để chuộc lại cái “tội lỗi” năm nào mình đã gây ra. Đó là một trong “nhiều chuyện khác nữa” mà Khánh Hà chia sẻ với chúng tôi về cái lí lịch “không có khiếu chơi với trẻ con”. Tiết lộ thêm, Khánh Hà ôm bụng cười “nhìn chúng nó chơi thì được chứ mà chơi với chúng nó thì…”. Thì sao nhỉ? Vẫn là ngày xưa, bố của Khánh Hà cũng bảo con nên đi sư phạm, nhưng bản thân cô bạn này lại thấy “mình ghét trẻ con” nên phương án đó nhanh chóng bị loại bỏ. “dạy trẻ con nó mà không hiểu bài, cứ ngơ ngơ thì chỉ muốn bạt tai. Tớ là người khó tính, hay nổi nóng mà”. Ti vi một thời đã đưa tin một Quảng Thị Kim Hoa rồi, giờ mà để có thêm một Nguyễn Thị Khánh Hà nữa thì không nên.
Rồi cái gì đến cũng đến
Hơn một năm “trong nghề”, Khánh Hà vẫn còn nhớ những cảm nhận đầu tiên của mình với tư cách là “chị gia sư”. Hôm đi nhận việc, cô bạn đã nhận thấy học trò tương lai của mình có tố chất thông minh, lại có niềm đam mê ngoại ngữ vì cậu bé đã nói với Khánh Hà ngay “em thích học tiếng Anh”, thế là cô bạn của chúng ta quyết định “nhận thôi”.
Nhưng câu chuyện không đơn giản “chỉ là dạy thằng bé lớp một thôi mà” như Khánh Hà đã nghĩ:
Trong tháng đầu tiên đi làm “chị gia sư”, Hà đã phát hiện ra nhiều tình huống có một không hai mà cô giáo trẻ không thể nào lường được trong giáo án của mình. Ngay buổi thứ nhất, sau khi lớp học đã diễn ra được 45 phút trong tốt đẹp, Khánh Hà bắt đầu thấy chán (cô bạn cười) và hỏi cậu học sinh của mình:
– Hà: em mệt chưa?
– thằng bé: chưa ạ.
– Hà: em muốn ngủ chưa?
– thằng bé: chưa ạ.
– Hà: em muốn học nữa không?
– thằng bé: có ạ.
vậy là cô bạn của chúng ta đành ngậm ngùi tiếp tục làm con ong chăm chỉ. Cứ ngỡ là trẻ con nên sẽ dễ dạy nhưng Khánh Hà đã rút ra kết luận rằng vì là trẻ con nên Hà lại càng khó dạy. Nó sẽ hỏi đông hỏi tây, hỏi nam hỏi bắc. Bên cạnh đó, những câu hỏi mà nó đặt ra lại đến rất đường đột nên nhiều khi “chị gia sư” cũng bị bất ngờ lại không nghĩ ra được câu trả lời. Cũng là vì trẻ con tò mò và hiếu kì nên không ít câu hỏi đặt ra cũng thuộc về những vấn đề nhạy cảm mà cô bạn của chúng ta cảm thấy khó để giải đáp thắc mắc. Và những tình huống như “chị ơi, xe ô tô hai cầu là gì” thật sự làm Khánh Hà ngây ra như trời trồng vì không hiểu “mô tê” gì cả. Chia sẻ với Khánh Hà, chúng tôi cũng ngắt lời cô bạn và thắc mắc về vấn đề “xe hai cầu”. Khánh Hà cười toe và bảo mãi sau đó một năm, trong một câu chuyện với bạn, Khánh Hà mới khám phá ra cái “sự kì diệu” của xe hai cầu với bốn bánh phát động, hiểu nôm na là bốn bánh có thể tự xoay sở để lo lấy thân nó. Hơn nữa, như phụ huynh đã đặt vấn đề ngay từ đầu “em còn nhỏ nên học ít thôi” Khánh Hà kiêm luôn phần chơi với em. Mà những trò vừa chơi vừa học như “cá sấu lên bờ” hay “bịt mắt bắt dê” của hai chị em với sự tham gia của cậu em trai là những lần Khánh Hà rượt đuổi hai cậu nhỏ mệt đứt hơi trong căn nhà thênh thang, có khi còn bị chúng nó đá cho vào người để chạy thoát thân T.T.
…may thay, vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Với những tình thế “điêu đứng”, Hà nghĩ ngay tới phương án “Tua”, nhanh và gấp; với những chuyện bản thân cũng không tỏ tường, “chị gia sư” thành thật “chị không biết cái này em ạ”. Riêng vấn đề chạy nhảy, Khánh Hà đã tìm ra cách “khắc chế” hai cậu tiểu quỷ của mình với trò chơi “đèn giao thông” trong đó “chị gia sư” trong vai chú công an chỉ phải ngồi một chỗ phát lệnh cho các cậu nhóc di chuyển, nhờ vậy công việc nhàn hạ hơn hẳn…
Thấy Khánh Hà say sưa kể về công việc dạy thêm của mình, chúng tôi nhận ra “chị gia sư” đã có rất nhiều kỉ niệm vui trong những ngày làm “nghề giáo”. Không yêu mến sao được những khi Khánh Hà bộc bạch với học trò của mình “chị không thích trẻ em”, cậu bé liền đáp lại “I’m not the baby”. Rồi những lần nhà có khách, bạn của cậu học trò nhỏ đến chơi, trong khi Khánh Hà thì kiên quyết “thôi em chơi với bạn đi để chị nghỉ dạy” thì cậu học trò nhỏ lại khăng khăng “thôi chị ở lại học với em đi, chúng mình vừa chơi vừa nói tiếng Anh, bạn em không nói tiếng Anh” và ngay sau đó cậu quỷ nhỏ đã quay ra chơi phướt với bạn của mình, bỏ rơi chị Hà. Đó là còn chưa kể cái oai của việc làm “chị gia sư” khi được giới thiệu, khi được gia đình khen là em học có tiến bộ, khi em trai cậu học trò thần tượng một “chị Hà giỏi tiếng Anh lắm, cái gì chị cũng biết” chỉ không biết mỗi tiếng Việt vì là người nước ngoài!
Nhưng vẫn còn lắm những cái “nhưng”…
Khi học sinh đã quen thân với chị Hà rồi thì việc dạy dỗ của Khánh Hà không còn là việc cậu học trò răm rắp làm theo lời “chị gia sư” mà sẽ là những trò “chị Hà làm bài hộ em”, và cậu em trai từ chỗ chỉ dám nói “hello” rồi chạy biến vì ngượng ngùng giờ cũng quay ra “chị Hà béo”. Và những hôm mưa gió là những ngày Hà đấu tranh tư tưởng…
Thế là hơn một năm nay Khánh Hà vẫn gắn bó với công việc của mình, không chỉ vì đó là công việc nho nhỏ mang lại đồng ra đồng vào cho cô sinh viên, mà với Hà đó còn là một niềm vui, giúp cô hạn chế những khoảng thời gian “ngồi ở nhà mụ người vì lên facebook và chat chit”, là những cuộc điện thoại chóng vánh hỏi thăm chị gia sư của học trò dịp hè về chứa chan niềm yêu mến. “Làm sinh viên nên đi làm thêm để có thêm những kinh nghiệm cho bản thân, như tớ chẳng hạn” – Khánh Hà nói – “Cái gì nhiều quá cũng không tốt, mà không có thì cũng không nên”.
Chúng tôi tạm biệt Khánh Hà để ra về khi đêm đã khá khuya và nhân vật chính của buổi gặp gỡ phàn nàn về chuyện không có trà nước, cớ sao cho đàm mà không đúng đạo, và thấy trong lòng dâng lên một nỗi niềm muốn làm gia sư.

Còn câu chuyện của bạn là gì, hãy cùng chia sẻ với chúng tôi trong chuyên mục TRÒ CHUYỆN VỚI NGƯỜI CHƯA NỔI TIẾNG để cùng nhau giãi bày tâm tình một thời sinh viên yêu dấu 😀

Comments on: "Chuyện gia sư" (5)

  1. Em oi, cau chuyen dang iu toa. Chi thich lemmmmmmmmm. Em dung la co nang khieu bao chi ma. Thich that day. Chuc em ngay cang viet len tay nhe. 😡 :X :X

  2. kinh, viết hay. Good job!!! :bd

  3. hoho, bạn cùng phòng mình thành người “sắp” nổi tiếng roài. Ấn tượng với mấy cái ảnh lun nà. mà nhà báo cũng lém quá nhở.

  4. viet bai hay that day uoc gi minh duoc nhu ban y

  5. đầu quân cho hv báo trí đi minh oiiiii

Bình luận về bài viết này